Ngoài biện pháp dùng tân dược, chúng ta có thể vận dụng các loại cây trái thiên nhiên trong vườn nhà để điều trị bệnh, nếu có kết quả thì rất hay, hạn chế được tác dụng phụ do thuốc.
Vài chục năm trước đây,cây rẻ quạt được nhiều người xem như một loại thuốc kháng sinh đặc hiệu cho tất cả các nhóm bệnh viêm nhiễm ở đường hô hấp trên như: viêm a mi đan mãn và cấp tính, viêm thanh quản, viêm họng hạt, ngứa cổ, phát âm khàn tiếng, ăn uống nuốt đau họng, cảm cúm, ho, sổ mũi…
Củ, rễ, lá của cây rẻ quạt sau khi phơi khô gọi là xạ can. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, có nhiều người bị viêm nhiễm đường hô hấp trên, đặc biệt là viêm họng hạt mãn tính đã dùng vị thuốc của cây rẻ quạt để trị rất hay. Cụ thể, người ta dùng rễ cây rẻ quạt đem phơi khô rồi dùng nó nhai với chút muối ăn để sát trùng vòm họng. Làm vài ba lần như thế thì khỏi bệnh.
Hoặc dùng lá rẻ quạt còn tươi (có thể dùng củ) đem phơi khô, rồi lấy độ 5-6 gr đem sắc (nấu) lấy nước uống nhiều lần trong ngày. Có thể dùng kết hợp với 1 gr cam thảo, 1-2 củ sâm đại hành tươi, 1-2 lá mạch môn đem sắc chung để lấy nước dùng hết trong ngày.
Cũng có trường hợp bị viêm a mi đan, dùng cây rẻ quạt bằng cách: lấy 10 lá rẻ quạt tươi cho cùng một ít muối ăn giã nhuyễn, rồi cho vào 100 ml nước chín, trộn đều rồi dùng nước này ngậm vào buổi sáng và tối để súc họng (súc xong bỏ nước chứ không nuốt). Làm như vậy trong một tuần thì có người khỏi bệnh.
Theo y học cổ truyền cây rẻ quạt có công dụng làm long đàm (loãng đàm), nhất là những trường hợp viêm nhiễm đường hô hấp trên bị tái phát do thời tiết, đặc biệt là vào mùa lạnh. Tuy nhiên, cần lưu ý, không dùng cây rẻ quạt với phụ nữ đang mang thai, người cho con bú. Không lạm dụng quá nhiều việc nhai lá sẽ dẫn đến phồng rộp niêm mạc miệng.
BS Trang Xuân Chi
Rất nhiều bệnh nhân nhờ có cây rẻ quạt mà khỏi được hẳn viêm họng hạt đã chia sẻ trên diễn đàn như sau:
Tôi được bác sĩ chẩn đoán là viêm họng hạt trong một lần khám sức khỏe định kỳ. Trước đó khoảng 20 ngày, tôi bị ngứa cổ họng, ho liên tục, có khi kéo dài đến 30 giây không dứt cơn...
Về đến nhà tôi liền tra sách “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” của GS.TS. Đỗ Tất Lợi xem có cây cỏ nào chữa được viêm họng không. Thật may, trong sách có cây xạ can hay còn được gọi là cây rẻ quạt đặc trị viêm họng, sưng đau cổ họng.
Tôi liền lên lầu ngắt ngay một đoạn chót lá dài khoảng một lóng tay bỏ vào miệng nhai và nuốt nước, bỏ xác, sau 20 giây. Độ chừng một phút sau thấy cổ họng nóng rát, không còn ngứa cổ và cơn ho cũng dứt hẳn. Sau đó cứ mỗi lần ngứa cổ, chớm ho, tôi làm như trên và không còn ho nữa.
Thấy hay, tôi mách cho một số người có triệu chứng ngứa cổ, ho dùng thử và đa số đã hết ho, chỉ có một vài người bị tê lưỡi không dám dùng nữa; chắc có lẽ họ dùng quá liều và ngậm lâu trong miệng. Theo sách “Cẩm nang chữa bệnh” của BS. Lê Thành - Mai Lan, có hướng dẫn cách sử dụng lá xạ can chữa viêm họng hoặc ho kéo dài như sau:
“Dùng một đoạn dài khoảng 1 cm lá xạ can để vào chén, lấy cán dao sạch nghiền nát rồi cho vào một ít nước, quấy đều, gạn lấy nước nuốt dần xuống họng. Tối nào cũng dùng, chỉ 3 ngày khỏi hẳn”.
Bà Hoàng Thị Hồng, 70 tuổi, nhà ở 34, lô 10, đường Bế Văn Đàn, khóm 2, phường 7, TP. Bạc Liêu, bị viêm họng hạt, phổi yếu, tạng người gầy ốm từ 10 năm nay, đã dùng nhiều loại thuốc tân dược nhưng không chữa khỏi cơn ho. Mỗi khi trái gió trở trời bà bị cơn ho dai dẳng hành hạ.
Thấy vậy, tôi mách bà dùng thử thang thuốc đặc trị viêm họng của GS.TS.Đỗ Tất Lợi mà vị căn bản là cây xạ can. Tôi tự đi mua và tặng bà một thang thuốc chỉ có 5.000 đ. Sáng hôm sau gặp tôi bà khoe: “Bài thuốc bác cho uống rất hiệu nghiệm, tôi thấy khỏe nhiều, dứt cơn ho kéo dài, không còn ngứa cổ và dễ thở. Bây giờ thỉnh thoảng mới ho vài tiếng”. Ngay sau đó bà nhờ ông xã ra tiệm thuốc bắc mua liền 30 thang để chuẩn bị đi Sài Gòn thăm con.